Chiều 13/11, Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid -19 tỉnh Gia Lai tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn để tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch; đẩy nhanh công tác tiêm chủng phòng Covid-19 và xử lý một số khó khăn, vướng mắc, triển khai công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dư tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành viên Thường trực BCĐ tỉnh.
Quang cảnh làm việc tại điểm cầu UBND tỉnh
Theo đó, từ ngày 26/4/2021 đến sáng ngày 13/11/2021 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.373 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có 05 trường hợp tử vong; trong đó, số ca đi từ vùng dịch về từ ngày 01/10/2021 đến ngày 13/11/2021 là 1.246 ca (1.120 ca dương tính mới và 126 ca tái dương tính). Liên quan tới công tác tiêm chủng, đến thời điểm báo cáo tổng số vắc xin đã nhận là 1.184.112 liều/1.385.058 liều chiếm tỷ lệ 85. 49 % theo kế hoạch phân bổ vắc xin năm 2021, trong đó đã tiêm cho 795.753 người, tỷ lệ 67,20% tổng số vắc xin đã nhận. Quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19 kết hợp Sổ Sức khoẻ điện tử (SSKĐT), hiện nay nền tảng tiêm chủng đã triển khai tại các cơ sở tiêm chủng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế toàn tỉnh Gia Lai ở mức 2; cấp huyện có 10/17 huyện, thị xã, thành phố ở mức 1 và 07/17 huyện ở mức 2; cấp xã có 196/220 xã, phường, thị trấn ở mức 1, 16/220 xã, phường, thị trấn ở mức 2, 07/220 xã, phường, thị trấn ở mức 3 và 01/220 xã, phường, thị trấn ở mức 4 (Phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku). Song song đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các công tác an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hậu cần cho phòng, chống dịch; giao thông, lưu thông hàng hóa và xây dựng kế hoạch đáp ứng diễn biến, cấp độ dịch tại địa phương.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình sau 01 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; một số địa phương đã báo cáo, trình bày các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đồng thời triển khai các phương án đẩy nhanh công tác tiêm chủng; quán triệt các văn bản mới để tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất; thảo luận các vấn đề liên quan đến quản lý F0 tái dương tính tại nhà, trên cơ sở thực hiện thí điểm.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các địa phương cần quán triệt sâu sắc thực hiện Chỉ thị số 13 của Chủ tịch UBND tỉnh, tổ chức nghiên cứu và có kế hoạch triển khai cụ thể. Đối với Công văn 545/CV – BCĐ về tổ chức cách ly đối với người về từ vùng dịch, thì hiện nay Bộ Y tế đã có Công văn 9472/BYT – MT điều chỉnh, hướng dẫn lại việc cách ly, xét nghiệm đối với người từ vùng 3, vùng nguy cơ cao; theo đó ngành Y tế phải tham mưu kịp thời về việc cách ly người về từ vùng nguy cơ cao theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Cần lưu ý đến công tác quản lý công dân về từ vùng dịch và quản lý cách ly tại nhà theo quy định. Về quan điểm chống dịch thực hiện kiểm soát, an toàn, linh hoạt nhưng phải quản lý rủi ro; trên cơ sở đó giao BCĐ cấp huyện đánh giá từng chùm ca bệnh trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc phong tỏa, phải thực hiện chặt chẽ “ai ở đâu ở yên chỗ đó” đủ thời gian 14 ngày; trong vùng phong tỏa cần phải nắm được số hộ, số dân thực hiện phong tỏa, có bao nhiêu người cần được can thiệp y tế; các phương án sau khi thực hiện Quyết định phong tỏa, đề nghị lưu ý đến bóc tách y tế, lập danh sách lấy mẫu xét nghiệm tránh tình trạng bỏ sót; chú trọng đảm bảo an ninh trật tự trong khu phong tỏa; tăng cường công tác thông tin truyền thông trong khu vực phong tỏa về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân tuân thủ quy định phòng, chống dịch; các lực lượng khi vào khu dân cư đang phong tỏa yêu cầu đảm bảo về mặt phòng hộ, phun khử khuẩn, phòng dịch đúng nguyên tắc.
Đề nghị các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát toàn bộ chế độ chính sách chi cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nếu các địa phương không đảm bảo về kinh phí khẩn trương báo cáo để UBND tỉnh rà soát, bổ sung kịp thời; gắn với chế độ chính sách rà soát để chủ động mua phương tiện phòng hộ như hóa chất phun khử khuẩn, đồ bảo hộ, khẩu trang. Về công tác xét nghiệm, đề nghị BCĐ phòng, chống dịch các cấp cần xác định mức độ vùng, trên cơ sở đó vùng đỏ cần xét nghiệm Real-Time PCR, vùng vàng, vùng cam sẽ xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải hết sức quan tâm đến công tác tiêm chủng, đề nghị BCĐ cấp huyện chủ trì trong công tác tiêm chủng trên cơ sở do y tế tham mưu; huy động tất cả các lực lượng trong công tác tiêm chủng để tiêm nhanh nhất, sớm nhất hướng tới tục tiêu miễn dịch cộng đồng. Lưu ý đến quy trình nhập liệu trong tiêm chủng, công dân được tiêm phải có mã trong điện thoại để thuận tiện trong việc di chuyển sau này; có phương án hướng dẫn cho các đối tượng không sử dụng được điện thoại thông minh. Tổ chức tiêm chủng cho học sinh, yêu cầu ngành Y tế phải có kế hoạch cùng với ngành Giáo dục thực hiện tiêm chủng tại trường học; sẽ tiêm trước cho học sinh từ 15 – 17 tuổi và sau đó sẽ tiến hành tiêm cho học sinh từ 13 – 14 tuổi. Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã lên phương án cho 5000 ca bệnh, phương án đã được UBND ký ban hành đề nghị BCĐ cấp huyện nghiên cứu để rà soát việc phân tầng, lên phương án của cấp mình theo đúng tinh thần “4 tại chỗ”. Các huyện khẩn trương rà soát Tổ y tế cộng đồng, để sẵn sàng cho tình huống cao thì sẽ có phương án tiến hành điều trị tại nhà; gắn với đó cần xây dựng hệ thống y tế cơ sở, huy động các lực lượng y tế tư nhân, y tế nghỉ hưu tích cực tham gia chống dịch tại khu dân cư của mình./.
Hoàng Thảo