(GLO)- Tôi sống ở Pleiku từ năm 1993 đến nay. Tuy thế, tôi không dám nói đã biết hết về Phố núi dù hơn nửa thế kỷ trước nhà thơ Vũ Hữu Định có câu thơ khái quát về Pleiku: “Đi dăm phút đã về chốn cũ”.
1. Pleiku lạ lắm, riêng định danh “plei” theo tiếng Jrai là làng nên đô thị Pleiku hơn 90 năm hình thành và phát triển vẫn có làng trong phố.
Phố núi Pleiku không có sông ngòi tự nhiên nhưng lại nhiều ao hồ, dòng chảy hình thành nên những cánh đồng lúa nước tại các xã, phường: An Phú, Tân Sơn, Trà Đa, Chư Á, Yên Đổ… Đầu mùa mưa, quãng từ tháng 3 Âm lịch, nhà nông bắt đầu làm đất. Trên cánh đồng, những chiếc máy cày đua nhau quần thảo phát ra tiếng động cơ ồn ã, cùng người nông dân trong trang phục bảo hộ lao động kín bưng tay cuốc băm xới, tay rựa phát dọn; châm lửa đốt phần gốc rạ khô giòn từ vụ gặt trước khói lên xanh, hối hả từ lúc trời vừa rạng.
Những cơn mưa nặng hạt thêm dày, hạt thóc giống ủ mình trong đất vừa mới đấy đã nhú mầm, lên xanh. Mùa mưa ập đến, kéo dài, nước xâm xấp chân ruộng thoạt nhìn chẳng khác cánh đồng lúa nước miền đồng bằng. Cứ độ chiều buông, bên mênh mông ruộng lúa xanh nhờ, nghe tiếng ếch nhái kêu vang hòa cùng gió mưa rả rích, tình quê xa miền đồng bãi ngày đông, tháng giá gợi lắm nỗi niềm!
Thuận theo tự nhiên, mùa lúa chín vàng là lúc đông về, tịnh không còn một cơn mưa. Chân ruộng khô ráo như được cắt nguồn nước tưới giúp cây lúa chín vàng đồng loạt. Vào vụ thu hoạch, máy gặt chạy trên đồng, người thu gom lúa lên xe công nông, máy tuốt lúa chạy hết công suất nơi miếng đất trống gần khu dân cư, giữa ruộng, rồi hối hả đưa lúa về nhà, rơm rạ về sân phơi phóng. Cùng với hương lúa chín, rơm tươi, mùi đồng đất vương trong gió nhẹ, nắng nhạt níu chân du khách nhiều độ tuổi, nơi xa, miền gần đắm chìm cùng ký ức để trải nghiệm, ngắm nhìn. Từng tốp người trang phục xúng xính họ ghi lại hình ảnh, livestream, chia sẻ nét đẹp tự nhiên, phóng khoáng giữa cánh đồng lúa vàng hươm mơn man gió nối dài đến chân núi, lọt thỏm giữa dãy phố chập chùng, những mái phố nghiêng nghiêng trên sườn đồi bát úp hay trải rộng bên hồ nước trong xanh lăn tăn từng lớp sóng xô bờ. Cùng với người nông dân gương mặt hiền hòa, hồn nhiên vui tính, du khách hòa mình vào câu chuyện mùa màng, tìm lại chính mình, tỏ rõ sự hàm ơn hạt ngọc nuôi người. Mới biết, chừng như trong mỗi chúng ta tiềm ẩn con người nhà quê ruộng đồng lam lũ chưa xa và chẳng dám quên!
Một góc vùng chuyên canh rau An Phú (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn
2. Quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, dẹp nội loạn và phát triển kinh tế đã tạo nên tính đa dạng mà thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Riêng ở Pleiku, ẩm thực của người Kinh miền đồng bằng bữa ăn không thể thiếu món rau, rồi từ đó nơi miền đất mới có cây rau trong vườn nhà, nghề trồng rau thương phẩm hình thành và phát triển, trao truyền sang các dân tộc khác. Dọc hai bên quốc lộ 19 ngang qua xã An Phú, cánh đồng rau quanh năm xanh tốt được trồng trong nhà lồng, nhà lưới mang thương hiệu “Rau an toàn xã An Phú” đến với người tiêu dùng. Trên con đường trải bê tông chạy về hướng nhà thờ An Phú dẫn ra cánh đồng rau rộng hơn 5 ha, chia thửa ô bàn cờ, hình thành vùng chuyên canh rau các loại. Dưới giọt mồ hôi, ruộng đồng quanh năm cho sản phẩm sắc màu đậm nhạt, hương thơm nồng tỏa từ cây rau, từ đồng đất, từ giọt mồ hôi sau lần áo người nông dân cần mẫn cùng chất giọng xứ nẫu chân chất cũng đủ cho ta vơi nỗi nhớ quê xa mỗi lúc dừng chân, mỗi lời trò chuyện!
Khi những đợt gió đông lạnh tràn về, nắng vàng thêm se sắt, ngoài cây rau, nhà nông các xã Trà Đa, An Phú vào vụ chăm trồng hoa Tết. Người dân nơi đây thường nói vui trong niềm tự hào rằng, họ được đón Tết, thưởng Xuân trước thiên hạ, theo vụ thu hoạch hoa. Quãng thời gian từ rằm tháng Chạp, hoa lay ơn được xuất đi ngoại tỉnh. Trên cánh đồng hoa đương độ hàm tiếu, lấp ló đủ sắc màu người nông dân tất bật thu hoạch, đóng gói, chuyển lên các phương tiện thô sơ tập kết đến đại lý có xe đông lạnh đỗ chờ, lên những chiếc xe tải đậu trên các con đường bê tông gần ruộng hoa rồi tỏa đi. Cuối tháng Chạp, hoa được bà con trong vùng đến tận ruộng mua về dùng, cả “chạy chợ” khu vực Pleiku và các huyện lân cận. Dành chút thời gian nhàn rỗi, bạn tìm sự nhàn tản trong niềm vui đón Tết mà hòa mình vào không gian ngập sắc, rộn rã thanh âm hẳn tình xuân thêm mặn mà!
3. Cuối tháng Chạp, sau đợt đầu tưới nước, bón phân, cây cà phê chuyển nhựa rùng rùng cho mùa hoa mới. Dọc theo thân nách đến đầu cành, từng chùm nụ trắng ngần bé xíu nhẹ nhàng mở cánh mỏng ken dày từng chùm tỏa hương thơm ngào ngạt. Cái màu trắng ngà mênh mông như độc chiếm không gian những vườn cà phê chập chùng tiếp nối chạy dài theo triền đồi đến thung lũng rồi tỏa hút tầm mắt dọc đường Trần Nhật Duật nối Pleiku với trung tâm xã Gào thì dẫu bạn là người sống ở Tây Nguyên, không xa lạ với cây cà phê cũng đắm đuối mắt nhìn không gian trùng trùng hoa, vây bủa hoa; hít tràn lồng ngực luồng sinh khí ướp đầy hương hoa. Và cả khi hoa đã nẫu, hương hoa chừng như còn lưu lại, ướp vào quả nõn, vào lá non tơ bóng mượt cứ thế nhẹ nhàng lan tỏa.
Những ngày cuối năm, bàn chân không chạm đất, trước cánh vườn cà phê mùa đương hoa có nắng xuân vàng, gió xuân mơ hồ vương chút se sắt; sương đầu xuân như không như có, thì cái sắc trắng ngần kia, mùi hương thanh khiết kia có ong vờn, bướm lượn mới nhận thấy vẻ đẹp thiên nhiên, bàn tay con người chung sức hài hòa, dang trải khiến lòng ta ngây ngất!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ – GLO